XEM LÁ SỐ
Năm sinh:
Tháng sinh:
Ngày sinh:
Giờ sinh:
LƯỢT TRUY CẬP
Thành viên đang online
:
Tổng truy cập
:

DỤNG THẦN BÁT TỰ - Phần 03

DỤNG THẦN BÁT TỰ LÀ GÌ (TIẾP THEO)

Tác giả: Hoàng Đại Lục

Một dụng thần không được, nhiều dụng thần cũng không xong, phải làm sao bây giờ? Có người chủ trương phương pháp sau tiết Đông Chí thì đổi trụ năm, có người đề xướng đại vận không phân biệt nam nữ đều thuận hành, Lữ Văn Nghệ tiên sinh ở Sơn Đông kiên quyết chủ trương phế trừ cổ pháp, thứ nhất không bàn vượng suy, thứ hai không bàn cách cục, thứ ba không bàn dụng thần, thứ tư không bàn thần sát, chỉ dùng chiêu sinh khắc "Lữ thị bát tự mệnh lý" là xong.

Nhưng, chẳng lẽ môn đoán mệnh của Từ Tử Bình thật vô dụng vậy sao? Các vị toán mệnh tiên sinh từ xưa tới giờ đều không có công phu thực sự hay sao? Hay là chúng ta đã nhầm lẫn điểm quan trọng nào đó? Như Tống Anh Thành tiên sinh nói: "Có phải chăng hỷ dụng thần mà chúng ta đã dùng khác hẳn với hỷ dụng thần thực sự?"

Vâng, chính xác là như vậy! Người viết sau khi nghiên cứu nghiêm túc, phát hiện hỷ dụng thần của hiện đại mệnh lý và hỷ dụng thần của mệnh lý cổ điển là hai thứ hoàn toàn khác nhau! Có ba chứng cứ như sau:

Thứ nhất, trong ba bộ mệnh lý cổ điển "Uyên Hải Tử Bình", "Tam Mệnh Thông Hội" và "Thần Phong Thông Khảo", không hề tìm thấy cái mà hiện đại mệnh lý gọi là dụng thần! Lật bất cứ sách mệnh lý hiện hành nào chúng ta cũng có thể thấy những chương tiết chuyên luận thuật về dụng thần, từ khái niệm về dụng thần phương pháp chọn dụng thần đều được giới thiệu kỹ càng.

Nhưng trong các mệnh lý kinh điển như "Uyên Hải Tử Bình" v.v... lại không thấy bất cứ chương tiết nào chuyên luận thuật về dụng thần, cho dù là một đoạn ngắn cũng không có! Những loại "dụng thần" có tác dụng phù ức, điều hậu, thông quan không hề tìm thấy bất cứ chứng cứ nào trong ba quyển sách mệnh lý cổ này. Trời ạ, dụng thần là thứ quan trọng không thể thiếu được như thế, vậy mà cổ nhân lại không hề có một chuyên đề nào để giới thiệu, có phải là rất kỳ quặc không nhỉ? Đối với mệnh lý hiện hành mà nói, đoán mệnh mà không nhắc tới dụng thần thì chỉ là một kẻ a ma tơ.

Thế nhưng tổ tông môn Tử Bình của chúng ta là Từ Tử Bình trong cuốn "Uyên Hải Tử Bình" sao không thấy nhắc tới vấn đề dụng thần vô cùng quan trọng này? Dù có kiệm lời tới đâu thì ít ra cũng để lại một đoạn ngắn chứ? Tiếc rằng chúng ta tìm nát trong mấy cuốn sách mệnh lý cổ kia mà vẫn không thấy! Cái mà chúng ta thấy là cổ nhân dùng đến một phần ba cuốn sách để nói đến cách cục, chuyện này thì sách mệnh lý hiện hành không hề có. Điều này chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ rằng chỉ có một khả năng, đó chính là trong sách mệnh lý cổ điển căn bản là không hề có loại dụng thần cân bằng ngũ hành bát tự, nếu như có dụng thần thì e rằng dụng thần chính là cách cục.


Thứ hai, dụng thần của mệnh lý lưu hành hiện đại và dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển, đặc trưng của cả hai hoàn toàn không phù hợp nhau. Chủ yếu biểu hiện trong ba mặt sau:

1. Dụng thần của mệnh lý hiện hành đặc trưng chính yếu ở chỗ tính bất khả tổn hại của nó. Dùng lời của Chung Nghĩa Minh tiên sinh trong cuốn "Bát Tự Khí Số Mệnh Lý Học" rằng: "Dụng thần là linh hồn của bát tự", "Nên dụng thần không thể bị thương tổn đến, không bị khắc hại hình xung v.v...". Thế nhưng cổ nhân trong "Tứ Ngôn Độc Bộ" lại chỉ ra rằng: "Cách cách thôi tường, dĩ Sát vi trọng, chế Sát vi quyền, hà sầu tổn dụng". Ý của "Hà sầu tổn dụng" chẳng phải là không sợ tổn hại đến dụng thần hay sao? Trong "Nguyệt Đàm Phú" cũng nói: " Cách hữu khả thủ bất khả thủ, dụng hữu đương khí bất đương khí". Nói rõ có lúc cần đến là có thể vứt luôn dụng thần.

2. Dụng thần của mệnh lý hiện hành, đặc trưng thứ yếu của nó là tính thiểu lượng. Nghĩa là dụng thần đã là điểm cân bằng ngũ hành bát tự thì dụng thần sẽ không thể là ngũ hành chiếm số lượng nhiều, bởi vì tổng cộng chỉ có tám chữ, số lượng nhiều lên sẽ phá vỡ cân bằng mà trở thành bệnh trong mệnh cục, cho nên dụng thần thường chỉ chiếm một hai chữ trong mệnh cục, không thể nhiều hơn. Cũng bởi vì phân lượng dụng thần ít cho nên mới sợ bị tổn hại!

Thế mà nguyên chú của chương Thể dụng trong "Tích Thiên Tủy" nói: "Nhị tam tứ ngũ dụng thần giả, đích phi diệu tạo". Có nghĩa một bát tự mà có ba bốn năm dụng thần thì không phải mệnh tốt. "Cùng Thông Bảo Giám - Tam xuân Giáp mộc luận" nói: "Phàm dụng thần quá nhiều, không nên khắc chế, tiết đi mới hay". Câu này chúng ta còn có thể tìm thấy trong "Tam Mệnh Thông Hội". Vậy đấy, dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển hóa ra còn có lúc đạt đến bốn năm cái, mà còn tiết đi mới tốt nữa!

3. Dụng thần trong mệnh lý hiện hành đặc tính thông thường của nó là tính chỉ có ích mà không có hại. Mệnh lý hiện hành cho rằng bất kể là Tài Quan Ấn Thực hay là Sát Thương Kiêu Nhận, chỉ cần khi được chọn làm dụng thần thì chỉ có ích mà không có hại, giữa chúng không có phân biệt thiện và ác, đã là dụng thần thì không thể bị khắc. Nhưng, dụng thần của cổ nhân không như thế.

Chương Luận dụng thần trong "Tử Bình Chân Thuyên" viết: "Tài Quan Ấn Thực, thử dụng thần chi thiện, nhi thuận dụng chi giả dã. Sát Thương Kiêu Nhận, thử dụng thần chi bất thiện, nhi nghịch dụng chi giả dã". Có nghĩa là Tài Quan Ấn Thực là bốn dụng thần thiện, phải bảo hộ nó mà sử dụng. Mà Sát Thương Kiêu Nhận là bốn dụng thần ác, phải chế ước nó mà sử dụng. Đấy, loại dụng thần như vầy thì mệnh lý hiện hành chắc là không có nhỉ!

Thứ ba, cách dùng của dụng thần trong mệnh lý hiện hành và dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển không giống nhau. Mệnh lý hiện hành cho rằng sự vượng suy cường nhược và bị khắc hay không của dụng thần vừa quyết định sự phú quí bần tiện của mệnh chủ và cũng chủ tể cát hung họa phúc của mệnh chủ, tác dụng của nó không có thứ nào khác có thể so sánh được. Nhưng chương Luận tướng thần khẩn yếu trong cuốn "Tử Bình Chân Thuyên" lại chỉ rõ: "Thương dụng thậm ư thương thân, thương tướng thậm ư thương dụng". Ý là thương hại đến dụng thần còn gay go hơn thương hại đến nhật nguyên, mà thương hại đến tướng thần còn gay go hơn thương hại đến dụng thần.

Có thể thấy còn có tướng thần quan trọng hơn cả dụng thần. "Ngũ Ngôn Độc Bộ" lại nói: "Có Sát chỉ luận Sát, không có Sát mới luận dụng thần". Ý gì nhỉ? Có Thất Sát chẳng lẽ có thể không cần luận dụng thần hay sao? Câu này mệnh lý hiện hành không giải thích nổi. Trong "Bảo Pháp - Quyển nhị" cũng nói: " Phàm thuật xem Tử Bình, thủ cách bất định, thì xem mười sai đến chín". Chú ý nhé, ở đây nói "Thủ cách bất định" chứ không nói "Thủ dụng bất chuẩn" nhé! Có phải cổ nhân thủ cách (chọn cách cục) rõ là hiệu nghiệm hơn chúng ta ngày nay chọn dụng thần không? Thiên mở đầu của "Tinh Vi Thiên" nói: "Phàm khán nhân mệnh, chuyên luận cách cục. Phùng Quan khán Tài, kiến Tài nhi phú quí. Phùng Sát khán Ấn, hữu Ấn dĩ vinh hoa".

Ở đây chỉ cường điệu "Chuyên luận cách cục" chứ không phải chuyên luận dụng thần nhé! Mà còn nói thẳng gặp Quan xem Tài, gặp Ấn xem Quan, không như mệnh lý hiện hành ngày nay trước hết phải xem thân vượng thân nhược, thân vượng thì dụng Tài Quan, thân nhược thì dụng Ấn Tỷ. Tại sao cổ nhân không chú trọng đến tiền đề quan trọng là xem thân vượng thân nhược vậy? Tại sao không nói "Phàm thuật xem Tử Bình, thủ dụng bất chuẩn (xác), xem mười sai hết chín"? Nguyên nhân thì chỉ có một thôi, đó chính là dụng thần mà cổ nhân nói tới khác xa lắc xa lơ với dụng thần mà ngày nay chúng ta nói!

Dông dài hồi lâu, chắc độc giả cũng muốn hỏi thế dụng thần trong sách mệnh lý cổ điển là gì thế?

 

Nguồn: Sưu tầm tổng hợp - Hết phần 03