HOÀNG TUYỀN QUYẾT PHÁP
HOÀNG TUYỀN QUYẾT
Trong phong thủy học, khái niệm về “HOÀNG TUYỀN” được đề cập đến rất nhiều, trong nhiều môn phái khác nhau. Phương vị Hoàng Tuyền được coi là phương vị bất khả xâm phạm. Nếu phạm Hoàng Tuyền phần lớn đều gặp hung họa. Đây được coi là một phần quan trọng trong yếu quyết liên quan đến Thủy pháp của âm trạch và dương trạch.
Khi nghiên cứu về Hoàng Tuyền, cần quan tâm hai vấn đề, đó là “Thiên Can bát lộ Hoàng tuyền” và “Thiên can phản phúc Hoàng tuyền”.
Ca quyết Bát lộ Hoàng tuyền:
Canh Đinh Khôn thượng thị Hoàng tuyền,
Ất Bính tu phòng Tốn thủy tiên,
Giáp Quý hướng trung ưu kiến Cấn,
Tân Nhâm thủy lộ phạ đương Càn.
Ca quyết Phản phúc Hoàng tuyền:
Canh Đinh Khôn thượng thị Hoàng tuyền,
Khôn thượng Canh Đinh bất khả ngôn.
Tốn hướng tiên nhu phòng Ất Bính,
Ất Bính Tốn hướng họa đương tiền.
Giáp Quý hướng trung hưu kiến Cấn,
Cấn kiến Giáp Quý hung sự thiêm.
Tân Nhâm thủy lộ Càn vi họa,
Càn hướng Tân Nhâm họa liên liên.
Nguyên tắc của Hoàng Tuyền được xuất phát từ thủy pháp của Tam Hợp phái. Trong Tam hợp phái, lý luận này được ứng dụng rất rộng rãi và hiệu nghiệm:
Thủy pháp Tam Hợp là lấy sự thuận nghịch của 12 cung Trường sinh cấu thành. Phương pháp này lấy nguyên tắc Dương sinh âm tử, Âm sinh dương tử, Dương thuận âm nghịch để tìm ra vị trí của Lâm quan và Đế vượng. Hai phương Lâm quan, Đế vượng không thể có khứ thủy. Khi lập hướng trạch, nếu thủy chảy đi từ phương Lâm quan hoặc Đế vượng được coi là phạm Hoàng Tuyền.
Với Câu khẩu quyết như trên, chúng ta có một số chú ý quan trọng như sau:
- Lập hướng Canh, Đinh nên cẩn thận với nước phương Khôn. Đinh hướng thì nước phương Khôn nên chảy đi, chảy đến là bị phạm Hoàng Tuyền.
- Canh hướng thì phương Khôn nên có nước chảy đến, nếu nước chảy đi là phạm Hoàng Tuyền.
- Ất hướng thì phương Tốn nước nên chảy đi, chảy lại là phạm Hoàng Tuyền.
- Bính hướng thì nước phương Tốn nên chảy lại, chảy đi là phạm Hoàng Tuyền.
- Giáp hướng thì nước phương Cấn nên chảy lại , nếu chảy đi là phạm Hoàng Tuyền .
- Qúy hướng thì nước phương Cấn nên chảy đi, nếu chảy lại là phạm Hoàng Tuyền.
- Tân hướng thì nước ở phương Càn nên chảy đi , nếu chảy đến là phạm Hoàng Tuyền.
- Nhâm hướng thì nước ở Càn nên chảy đến, chảy đi là phạm Hoàng Tuyền.
Về nguyên tắc luận Hoàng Tuyền đối với dương trạch, hiện nay đang còn tồn tại một số quan điểm khác nhau. Một số quan điểm cho rằng cần dùng hướng nhà để khởi, số khác thì lại cho rằng phải dùng Tọa nhà để khởi.
Thế nhưng, theo Trọng Hậu thì ta dùng Tọa của ngôi nhà để luận và khởi Trường sinh. Điều này sẽ hợp lý hơn, nhưng với âm trạch thì ta vẫn dùng theo nguyên tắc: dùng Sơn xét Sa và dùng Hướng xét Thủy. Âm trạch và dương trạch sử dụng có chút khác nhau, chúng ta không nên lẫn lộn.
Ngoài ra, muốn biết nhà ở có phạm Hoàng Tuyền hay không, chúng ta cũng cần phải căn cứ vào thế tả hoàn long hay hữu hoàn long, thế đất là âm hay dương mà sử dụng thì mới phải phép.
Hoàng Tuyền trong phong thủy bị phạm là đại hung, đại họa. Đặc biệt, khi phương vị Hoàng tuyền có nước chảy thẳng, nhanh, trực cấp, gặp các vật nhọn như nóc nhà, góc tường, điện cao áp xung xạ, hoặc gặp sao Thái tuế, Ngũ hoàng bay đến đều là nguyên nhân gây nên những tai họa khôn lường. Nhà ở bị phạm Hoàng tuyền, phần lớn đều gây ảnh hưởng trực tiếp đến mệnh nam trong nhà, nhất là nam giới thời kỳ trẻ tuổi và trung niên.
Như vậy, Hoàng Tuyền chỉ xét về phương Hướng, không luận về Long và Tọa sơn. Chỉ khi nói về Bát Can và Tứ Duy thì mới có thuyết pháp về Hoàng Tuyền; còn nếu chỉ nói về 12 Địa chi thì cũng chưa thể nói đến Hoàng Tuyền.
Nói chung, khi nhắc đến Hoàng tuyền, mọi người sẽ đều cảm thấy kinh sợ. Thế nên, khi thiết kế phong thủy phải hết sức chú ý, tránh phạm phải vấn đề này.
Nguồn: Trọng Hậu FengShui (THF) – PHONG THỦY NAM VIỆT
(Mọi sự trích dẫn, phổ biến cần ghi rõ bản quyền)